Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Khu hành chính mở Bình Dương: Mô hình cần tham khảo

Trong khi nhiều địa phương còn lúng túng khi xây dựng quy trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) giữa các đơn vị thì tỉnh Bình Dương đã hoàn thành và đưa vào hoạt động thử nghiệm Khu Hành chính "mở" hiện đại.


Bình Dương là tỉnh đầu tiên tập trung các cơ quan hành chính vào toà tháp 21 tầng, có bãi đáp trực thăng, tổng đầu tư hơn 1.400 tỷ. Ngày 20/2, tòa nhà này sẽ được khánh thành.

Khu Hành chính "mở" có diện tích hơn 4.000m2 gồm 7 cụm chức năng được thiết kế hiện đại là nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế "một cửa, một cửa liên thông" đối với 1.408 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 20 sở, ngành trong tỉnh và 18 cơ quan chuyên môn. Với sự kết nối liên thông, Khu Hành chính "mở" thực sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp (DN) vì không phải đi lại nhiều lần khi có nhu cầu giải quyết TTHC. Không những thế, cán bộ, công chức các sở, ban, ngành cũng dễ dàng trao đổi nghiệp vụ với nhau ngay tại chỗ nên thời gian giải quyết hồ sơ giảm đáng kể. Trong Khu Hành chính "mở" được trang bị công khai thông tin cần thiết liên quan đến TTHC. Cùng với 24 máy tính được bố trí dành riêng cho người dân và DN sử dụng tra cứu hồ sơ, quy trình TTHC, còn có 4 khu vực tư vấn, hỗ trợ pháp lý về TTHC. Người dân và DN còn có thể kiểm tra được tình trạng hồ sơ của mình đã được giải quyết đến đâu thông qua hệ thống máy tính nối mạng. 


Khu vực làm việc của Sở Kế hoạch và Đầu tư có đông người dân, doanh nghiệp đến liên hệ

Với Khu Hành chính "mở" theo cơ chế "một cửa, một cửa liên thông" cấp tỉnh cho thấy sự đột phá của tỉnh Bình Dương trong công tác cải cách hành chính, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Có thể thấy, đây là bước đi trước sáng tạo và phù hợp, nhất là trong giai đoạn hiện nay Việt Nam đang xây dựng cơ chế "một cửa quốc gia" và tiến tới thực hiện cơ chế "một cửa ASEAN". Để triển khai cơ chế này đầy đủ và toàn diện, các bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ trong việc xác định các tiêu chí chung về công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu TTHC cũng như cần xác định rõ trách nhiệm cụ thể của mỗi bộ, ngành. Vì thế, Khu Hành chính "mở" với các loại hình dịch vụ và ứng dụng công nghệ cao của Bình Dương chính là mô hình cần tham khảo. Đặc biệt, với các địa phương, đơn vị còn lúng túng trong xây dựng quy trình liên thông giải quyết TTHC giữa các cấp, ngành có thể học tập kinh nghiệm, áp dụng để thực hiện tốt việc giải quyết TTHC cho công dân, tổ chức và DN.

Theo HaNoiMoi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét